
Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng và luôn duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân 13%/năm. Hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư, huy động hiệu quả nguồn vốn của nhiều thành phần kinh tế. Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ – đô thị Bình Dương được hoàn thiện với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên hoàn khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, Khu dịch vụ đô thị diện tích 1.600ha với Khu trung tâm 1.000ha đã thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật cao đến đầu tư; một số công trình trọng điểm như trung tâm đô thị mới, Trung tâm Hành chính tỉnh, các công trình về dịch vụ, đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tôn giáo… được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo sự lan tỏa và kết nối đến các trung tâm đô thị vệ tinh của Bình Dương.
Những thành quả đạt được
Giai đoạn 2010 – 2015, nền kinh tế của Bình Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng,tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến năm 2015 cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp đạt tỷ lệ tương ứng là 60% – 37,3% – 2,7% (Nghị quyết 59% – 38% – 3%). GDP bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra, cuối năm 2015 là 72,3 triệu đ/người (Nghị quyết Đại hội IX là 63,2 triệu đ/người).
Công nghiệp tiếp tục là chủ lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, tương đối ổn định, đúng định hướng, từng bước phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 15,7%. Các KCN tiếp tục được mở rộng, khai thác có hiệu quả, hạ tầng đồng bộ gắn với việc phát triển hạ tầng đô thị và dịch vụ chất lượng cao. Bình Dương hiện có 28 KCN đang triển khai với tổng diện tích gần 9.500ha, trong đó 26 KCN đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 65%.
Công tác quy hoạch phát triển đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung cho việc nâng cấp đô thị và được công nhận TP Thủ Dầu Một là đô thị loại II; TX Thuận An, Dĩ An đang thực hiện thủ tục đề nghị công nhận đô thị loại III; TX Bến Cát và Tân Uyên được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Không gian đô thị được phát triển về phía Nam, phía Bắc và Trung tâm với chùm đô thị và đô thị vệ tinh liên kết chặt chẽ với nhau; hạ tầng kỹ thuật – xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Diện tích nhà ở bình quân đạt 23,5 m2/người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 76,8%.
Thời gian qua, Bình Dương cũng tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, đặc biệt là các công trình thực hiện các chương trình đột phá của Bình Dương. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã được hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đô thị. Đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông hướng ngoại quan trọng, đồng thời tập trung xây dựng các trục giao thông nội bộ liên kết giữa các khu vực trong tỉnh…
Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp – thoát nước cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và nước cho công nghiệp tại các khu đô thị, KCN; Hiện Bình Dương có 28 nhà máy, tổng công suất cấp nước đạt 329.500m3 ngày/đêm, tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 99%. Bên cạnh đó, các dự án thoát nước ở khu vực đô thị và vùng ven được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước khắc phục tình trạng ngập cục bộ và ngập úng ở các vùng trũng. Hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ở TP Thủ Dầu Một và TX Thuận An cũng được đầu tư xây dựng và bước đầu đưa vào vận hành sử dụng.
Cùng với những kết quả trên lĩnh vực phát triển kinh tế, trong nhiệm kỳ qua, Bình Dương cũng đã đạt nhiều thành tựu trên các mặt văn hóa – xã hội, y tế giáo dục. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 65% (Nghị quyết 60 – 65%); tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn là 63,8% (Nghị quyết 40 – 45%); tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp tăng, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước… Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trong tỉnh ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đặc biệt là chương trình phát triển nhà ở xã hội được quan tâm triển khai đã thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhiều công trình nhà ở xã hội. Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn nhà ở là 3.899.949m² đáp ứng cho 238.325 người, trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do TCty Đầu tư Phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư. Đến nay đã có 22 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cho 36.860 người. Dự kiến đến cuối năm 2015, sẽ có 34 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 63.933 người, đạt 59,30% so với chương trình đề ra.
4 chương trình đột phá giai đoạn 2015 – 2020
Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đưa ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2015 – 2020 là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học. Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, TP trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được trong 5 năm, nhiệm kỳ tới Bình Dương đưa ra 4 chương trình đột phá là: Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao có hàm lượng trí thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là các công trình mang tính động lực. Gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp, chỉnh trang TP Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên theo hướng văn minh, sạch đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của Bình Dương trong giai đoạn mới.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,3%/năm (tương ứng GDP là 13,3%). Cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh đến năm 2020 công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 63,2% – 26% – 3% – 7,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,7%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 142,6 triệu đồng vào năm 2020. Thu ngân sách tăng 8,9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ USD.
Đến năm 2020 có 70 – 75% trường học đạt chuẩn quốc gia, 7,5 bác sỹ/10.000 dân, 1 vạn dân có 27 giường bệnh (không tính tuyến xã). Hàng năm giải quyết việc làm 45.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm 1%/năm so với đầu năm. Diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2/người. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 100%. Đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường đến năm 2020 như: Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đạt 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%…
Công nghiệp là động lực phát triển Bình Dương
Một trong những lĩnh vực giúp Bình Dương tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội là đầu tư phát triển công nghiệp. Ngay từ khi mới tái lập tỉnh, Bình Dương đã nhận thức công nghiệp hóa là nguồn lực để đô thị hóa, đô thị hóa lại tạo cơ hội để công nghiệp hóa phát triển bền vững. Chính vì vậy Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Thực hiện giải pháp này đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển đô thị, qua đó thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để Bình Dương trở thành TP trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Nếu như năm 1997, Bình Dương mới có 6 KCN, tập trung hầu hết ở phía Nam thì đến nay đã phát triển lên 28 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích gần 9.500ha. Các KCN điển hình như Việt Nam – Singapore (VSIP), Mỹ Phước, Bàu Bàng, Đồng An, Sóng Thần… đã thực sự trở thành biểu tượng phát triển năng động của Bình Dương, đặc biệt là KCN VSIP. Không những thành công ở Bình Dương, VSIP còn lan tỏa ra các tỉnh thành khác trong cả nước như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… Năm 2014, VSIP Bình Dương đã thu hút 623 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có 21 dự án đăng ký mới trên 93 triệu USD và 35 dự án tăng vốn thêm 530 triệu USD. Tính đến nay, đã có 360 doanh nghiệp trong các KCN VSIP đi vào hoạt động sản xuất, góp phần tạo doanh thu hàng tỷ USD và giải quyết hàng ngàn việc làm mỗi năm.
Nhiều nhà đầu tư đã đánh giá cao các KCN VSIP và xem đây là các KCN mà họ ưu tiên chọn lựa qua khảo sát thực tế môi trường đầu tư. Bởi VSIP có cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại, cùng với thủ tục hành chính nhanh gọn của Bình Dương đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.
Với việc chú trọng phát triển công nghiệp – dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa, Bình Dương đã mạnh dạn triển khai thực hiện một loạt dự án quan trọng như: Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị với tổng diện tích 4.196ha, trong đó có 1.000ha trung tâm đô thị với Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh là hạt nhân. Các trung tâm thương mại – dịch vụ lớn dọc hành lang đại lộ Bình Dương như trung tâm mua sắm AEON Bình Dương Canary (TX Thuận An), Trung tâm Thương mại Becamex Center (TP Thủ Dầu Một), Siêu thị BigC, Metro… Ngoài ra, trên địa bàn Bình Dương đã và đang hình thành một số dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp hiện đại như Khu đô thị Tokyu (liên doanh giữa Tập đoàn Tokyo – Nhật Bản và Becamex)…
Bên cạnh hạ tầng KCN, hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng được tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Nhiều công trình có quy mô lớn, hiện đại và mang tầm quốc tế được đầu tư từ nhiều nguồn lực như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức, Bệnh viện Quốc tế Becamex, bệnh viện Mỹ Phước, trường Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm,… góp phần cho đô thị Bình Dương hình thành theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, phải kể đến vai trò quan trong tích cực của TCty Becamex trong việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại góp phần thu hút đầu tư phát triển ổn định cho Bình Dương.
Ông Nguyễn Thành Tài – Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và xây dựng phát triển đô thị nhằm tạo ổn định để công nghiệp phát triển bền vững để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài với Bình Dương. Qua đó, góp phần phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế của Bình Dương ngày càng hiệu quả. Đây là nền tảng cơ bản và vững chắc để Bình Dương hướng đến trở thành một đô thị xanh, văn minh và hiện đại trong tương lai.
Nguồn: baoxaydung.com.vn
Để lại một Thảo luận