
Quy chế Quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ của UBND TP Hà Nội ban hành tháng 8/2015 đã quy định cụ thể về quản lý quy hoạch, chức năng sử dụng đất, kiến trúc và phát triển công trình hạ tầng xã hội.
Tầng cao xây dựng đặc trưng tại khu phố cũ là 4-6 tầng
Theo Quy chế Quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ của UBND TP Hà Nội quy định, tầng cao xây dựng đặc trưng tại khu phố cũ là 4-6 tầng, chiều cao khoảng 16-22m, chiều cao và tầng cao tối đa ở mỗi ô phố được quy định theo từng trường hợp cụ thể.
Mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%. Mật độ dân số khoảng 230 người/ha. Chiều cao và tầng cao tối đa không áp dụng cho các trường hợp: Tại một số lô đất lớn, thỏa mãn các điều kiện được quy định ở Quy chế này có thể xem xét, cho phép xây dựng công trình đến 8 tầng/29m nhưng phải tuân thủ các quy định có liên quan khác.
Tại một số vị trí thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Quy chế này, có thể xem xét, cho phép xây dựng công trình cao tầng để tạo diểm nhấn đô thị nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc chung và các quy định chung về quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội được quy định tại Quy chế.
Cũng theo Quy chế, chức năng sử dụng đất của khu vực và chức năng của công trình được quản lý theo quy định như sau: Các chức năng sử dụng đất chủ yếu gồm: Di tích lịch sử – văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế, trường học và các chức năng công cộng khác.
Ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, dịch vụ du lịch, văn phòng làm việc cao cấp, các ngân hàng, tài chính, chứng khoán và các chức năng công cộng, dịch vụ, cây xanh.
Hạn chế xây dựng thêm công trình nhà ở, trừ trường hợp cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng lại để phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ hoặc trường hợp xử lý nhà nguy hiểm có nguy cơ sập đổ; hạn chế tối đã xây dựng mới công trình nhà ở cao tầng làm tăng quy mô dân số khu phố cũ; không xây dựng xen cấy công trình cao tầng mới.
Tại khu phố cũ, các công trình xây mới phải có tỷ lệ phân vị đứng, khoảng lùi, chiều cao mỗi tầng, ngôn ngữ kiến trúc, màu sắc, vật liệu tương đồng, phù hợp với các công trình có giá trị hoặc công trình chủ đạo gần đó, trong đoạn tuyến phố đó.
Các phần cơi nới, lấn chiếm không gian phải bị dỡ bỏ. Các bộ phận mái tạm, biển quảng cáo sai quy cách, cũ hỏng, đặc biệt là tại bề mặt các công trình có giá trị và di tích phải được tháo dỡ, chỉnh sửa, lắp đặt mới theo đúng quy định.
Màu sắc của công trình phải đảm bảo hài hòa, phù hợp trên cả dãy phố. Không sử dụng các vật liệu, màu sắc mặt nhà có độ phản quang cao, có tính chất quảng bá sản phẩm hoặc che phủ chống thấm bằng màu đen, xám.
Không sử dụng các chi tiết kiến trúc pha tạp nhiều phong cách kiến trúc khác nhau trên cùng một công trình hoặc sử dụng nhiều chi tiết kiến trúc cổ điển rườm rà, trừ các công trình bảo tồn, phục dựng theo nguyên bản của di sản kiến trúc.
Di dời cơ sở không phù hợp với mục tiêu bảo tồn phố cũ
Việc phát triển công trình hạ tầng xã hội trong khu phố cũ phải đảm bảo: Không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tổ chức di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng, văn phòng, trụ sở cơ quan của một số bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, trường đại học, cao đẳng, các cơ sở y tế gây ô nhiễm, không phù hợp với mục tiêu bảo tồn khu phố cũ, ra ngoài khu vực theo quy hoạch, kế hoạch.
Các quỹ đất sau di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ cộng đồng; không sử dụng để xây dựng nhà ở cao tầng sai quy hoạch.
Bố trí thiết lập theo thứ tự ưu tiên các chức năng: trường học, nhà trẻ, sân chơi trẻ em, sân chơi thể thao cho từng khu vực, cây xanh, sân bãi quảng trường, giao tiếp cộng đồng, không gian công cộng, các công trình văn hóa – thể thao, khách sạn, dịch vụ thương mại tại các ô đất được chuyển đổi chức năng còn lại sau di dời.
Các trường đại học, cao đẳng được cấp thẩm quyền cho phép cải tạo trong khu vực phải tổ chức cải tạo, nâng cấp chất lượng, đảm bảo quy mô đào tạo theo quy định. Các bệnh viện được phép ở lại phải tổ chức di dời cơ sở y tế ô nhiễm và chuyển đổi thành các cơ sở nghiên cứu – khám chữa bệnh chất lượng cao phục dân cư khu vực.
Nguồn:baoxaydung.com.vn
Để lại một Thảo luận